Chỉ đạo điều hành
- Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 28/6/2022 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND cấp huyệntrên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Công văn số 2121/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 27/05/2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 24/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
- Quyết định số 2184/QĐ-UBND ngày 24/6/2022 của Chủ tịch UBND Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính, thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực Người có công thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội
- Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 về việc ban hành Quy chế về phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng và thi viết về gương điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt xuất bản sách "Những bông hoa đẹp" thành phố Hà Nội
- Quyết định số 01/QĐ-BTC ngày 17/6/2022 về việc ban hành Thể lệ cuộc thi " Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng" trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT
Lan tỏa yêu thương
Ngày đăng: 09:42 13/08/2021 | Lượt xem: 3199
Nói đến tên em – Nguyễn Thanh Nga, những đứa trẻ lớn lên từ Làng trẻ em Birla Hà Nội đều biết đến. Một chiều cuối đông, tôi và Nga không hẹn mà cùng đến thăm M - một cậu con trai đã từng là con của Làng trẻ em Birla Hà Nội, em mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi. Gặp Nga tại cửa phòng cấp cứu Bệnh viện Lao và Phổi trung ương, tôi và em mắt đều nhòe đi... Chúng tôi là những người thân không cùng chung huyết thống, từng ăn bát cơm gạo cứng, uống ngụm nước giếng khoan từ những ngày đầu khó khăn khi vừa mới thành lập Làng trẻ em Birla Hà Nội. Thoáng nhìn Nga, ai cũng thấy em mong manh, yếu đuối nhưng ẩn sâu trong đôi mắt dịu dàng có vẻ yếu đuối ấy lại toát lên vẻ đẹp của một cô gái tràn đầy năng lượng sống, một trái tim biết lan tỏa yêu thương đến mọi người. Em là động lực để bao lớp đàn em ngưỡng mộ noi theo, là niềm kiêu hãnh của những người làm công tác xã hội như chúng tôi trên những nẻo đường âm thầm làm thiện nguyện.
Thanh Nga là chị trong một gia đình có bốn chị em. Bố mẹ Nga mất sớm. Bốn chị em Nga được nhận vào Làng trẻ em Birla Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập Làng (năm 1987), khi đó em mới 9 tuổi (3 em trai của Nga là Trung 6 tuổi; Mỹ 5 tuổi; Việt 3 tuổi). Thanh Nga và các em trai của mình đã vượt qua những năm tháng tuổi thơ thiếu tình yêu thương của bố mẹ. Nga luôn phải tỏ ra mạnh mẽ để thay bố mẹ chăm lo cho các em của mình. Cô bé Nga ngày đó mắt tròn xoe với hai bím tóc xinh xinh, đôi bàn tay khéo léo luôn nhiệt tình giúp đỡ các mẹ nuôi nấu ăn và chăm sóc các em nhỏ. Chắc bởi ngày đó do điều kiện tài chính và cơ sở vật chất còn quá khó khăn, việc gì ở Làng cán bộ cũng như các mẹ, các con cũng phải tự làm nên Nga đã học hỏi được ở các cô, các chú từ việc cắt tóc cho các bé đến việc chăm lợn, chăm gà, trồng rau... Đặc biệt, Nga cũng có khiếu văn nghệ. Em đã từng tham gia nhiều hội thi văn nghệ dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn và đạt được nhiều giải thưởng cao.
Ảnh: Bạn Nguyễn Thanh Nga ( đứng thứ 2 từ tay phải sang) - Trẻ trưởng thành của Làng trẻ em Birla tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Làng 20/11/1987-20/11/2017.
Trải qua những năm tháng tuổi thơ sống tại Làng trẻ em Birla Hà Nội, được học hành, Thanh Nga đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình là trở thành sinh viên đại học. Cô sinh viên khoa kế toán trường đại học Đông Đô thuở ấy luôn đạt được thành tích cao trong học tập. Ngoài giờ đi học, Nga còn tranh thủ đi dạy gia sư, đi bán hàng thuê... để trang trải thêm cho học phí của mình. Tuy vất vả nhưng cuối tuần Nga không quên về thăm các mẹ và chăm các em nhỏ của Làng - nơi gắn bó yêu thương của mình. Tâm sự với tôi em nói “Mỗi khi mỏi mệt, căng thẳng em lại về đây với các mẹ, các cô chú, được chăm sóc các em nhỏ là em lại như được hồi sinh chị ạ. Có lẽ bởi nơi đây chưa bao giờ thiếu tiếng cười và sự quan tâm”.
Thấm thoắt mấy năm trôi qua, Thanh Nga tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm. Em bước đầu đã có thành công trong sự nghiệp. Hiện Thanh Nga đang giữ vị trí Chánh văn phòng Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Giám đốc – Trung tâm tư vấn du học sinh Núi Trúc. Khi lập gia đình riêng, Thanh Nga vẫn cùng với các mẹ, các cô chú chăm lo, dạy dỗ và tạo dựng cho ba em trai. Các em của Nga đều thi đỗ đại học, tốt nghiệp và có công việc ổn định. Một lần nữa, Nga lại thay bố mẹ xây dựng gia đình riêng cho các em.
Để thắp sáng những ước mơ cho các em sống ở Làng trẻ Birla Hà Nội, Thanh Nga đã tham gia dạy tiếng Nhật cho các em từ những ngày đầu có phong trào học tiếng Nhật tại Làng. Nga tâm sự với tôi rằng “Em muốn gieo những ước mơ cho các em nhỏ có hoàn cảnh như mình khi xưa và mong các em ở đây đều thực hiện được những ước mơ của mình”. Nga tìm kiếm học bổng và giới thiệu cho những em đã trưởng thành ra khỏi Làng có cơ hội học tiếng Nhật tại nơi mình làm việc là Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Nhờ sự giúp đỡ của Nga, một số em đã được học và làm việc bên Nhật, có em đang làm việc ở các cơ quan, đối tác Nhật Bản tại Việt Nam.
Thanh Nga không chỉ cố gắng thắp sáng những ước mơ cho các em nhỏ của Làng mà còn luôn gìn giữ, biết ơn sự hy sinh cao cả, những yêu thương đong đầy của những bà mẹ - những người phụ nữ không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục, chăm sóc các em từ những ngày các em bơ vơ và khó khăn nhất... Những bà mẹ đã cho các em có cơ hội gọi hai tiếng “Mẹ ơi” thiêng liêng - có những em là tiếng gọi đầu đời. Thanh Nga nói “Giờ bọn em đều trưởng thành, các mẹ đã già và về mỗi quê ở mọi miền đất nước, nhưng mỗi khi có cơ hội chúng em đều sà vào lòng mẹ và nói chúng con yêu mẹ và nhớ mẹ lắm...”. Mỗi khi có bà mẹ trong Làng nghỉ hưu mà hoàn cảnh neo đơn, Thanh Nga và các anh chị em trong Làng đều chủ động sắm sửa đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu cho mẹ, thường xuyên thay nhau sang thăm mẹ để mẹ có cuộc sống về già thoải mái, vui vẻ và có ích hơn.
Dẫu thời gian có bao lâu, dù khoảng cách có bao xa, chỉ cần hướng về nhau thì không có gì là không thể. Thanh Nga luôn thể hiện vai trò là người chị trong gia đình nhà C1, mỗi khi Làng có công việc hay biến cố gì cần sự trợ giúp của cá nhân hay cộng đồng thì em lại là người kêu gọi kết nối và chia sẻ yêu thương tới mọi người. Đối với trường hợp của M, Nga đã huy động những người con trong nhà, trong Làng, bạn bè quyên góp tiền giúp M chữa bệnh. Có những ngày M được các bác sĩ báo gia đình chuẩn bị tinh thần đón tin xấu, Nga đã ở đó chăm sóc, hỗ trợ vì M không có người thân nào cả. Có lẽ do ông trời động lòng thương với những hoàn cảnh côi cút, lời thì thầm van xin của những tình thân, M đã vượt qua những giờ phút nguy kịch và giờ sức khỏe đang dần hồi phục, ổn định.
Mặc dù không phải là người giàu có, nhưng Thanh Nga đã tặng 1 chiếc xe máy cũ nhưng còn sử dụng tốt cho M để làm phương tiện đi lại và kiếm tiền khi sức khỏe cho phép. Hàng tháng, Nga cùng với một số em trưởng thành trong Làng hỗ trợ một số tiền sinh hoạt cho M. Đặc biệt, em luôn động viên, chia sẻ và kết nối M với phòng công tác xã hội của bệnh viện Lao và Phổi trung ương để tìm sự trợ giúp cho M trong việc khám chữa bệnh và chỗ ăn ở. Chia sẻ với tôi, Thanh Nga nói “Thật vui vì trong cuộc sống luôn có những người bạn để cùng sẻ chia, cùng vui, cùng cười và cả cùng khóc nữa. Dù khó khăn đến đâu hãy cứ ngẩng cao đầu, bước tự tin, thể hiện cá tính riêng và sống hết mình khi còn có thể, vì mỗi ngày trôi qua là một ngày hạnh phúc, em không muốn lãng phí một ngày nào cả”.
Sống tích cực, có ý nghĩa đó là tâm niệm của Thanh Nga, em luôn chia sẻ những việc làm có ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nga không chỉ tham gia giúp đỡ những em nhỏ trong Làng trẻ mà còn tham gia các hoạt động thiện nguyện tại cơ quan, các hội nhóm bạn bè của mình. Hàng năm, Nga cùng với nhóm bạn quyên góp cả vật chất và tinh thần đem đến những vùng cao giúp các em nhỏ có thêm áo ấm khi đông về, thêm bữa cơm có thịt... Giá trị vật chất tuy không nhiều nhưng đó là cả tấm lòng của những người làm thiện nguyện. Ấn tượng của tôi về Nga trong các chuyến đi thiện nguyện đó là không bao giờ phô trương mà cứ âm thầm trao niềm vui và lan tỏa yêu thương đến mọi nhà.
Đối với chúng tôi những người làm công tác xã hội của Làng trẻ em Birla Hà Nội, Thanh Nga xứng đáng là người con ưu tú của Làng. Thật quý giá khi chúng ta biết sống có ý nghĩa và lan tỏa yêu thương từ những việc làm nhỏ, đó là yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc sống, giúp các em gieo trồng, nuôi dưỡng những ước mơ và tạo dựng được tương lai tươi sáng như Thanh Nga từng chia sẻ:
“Hãy vui lên khi lúc ta còn trẻ
Và chân thành cùng chia sẻ đau thương
Giữ tay nhau đi hết quãng đường trường
Và cố gắng để tình thương đẹp mãi.”
Cảm ơn những bà mẹ của Làng trẻ em Birla Hà Nội, những người làm công tác xã hội đã luôn cố gắng hết mình chăm lo, giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi thầm cảm ơn Thanh Nga - cô con gái của Làng trẻ em Birla Hà Nội - bởi những gì em đã và đang làm, chúc em sẽ luôn thực hiện được tâm nguyện của mình và luôn hạnh phúc./.
Nguyễn Thị Kim Dung
Làng trẻ em Birla Hà Nội
các tin khác
- CẢM ƠN MẸ! NGƯỜI MẸ SIÊU NHÂN
- ẤM TÌNH ĐỒNG CHÍ TRONG NHỮNG NGÀY CẢ NƯỚC CHUNG TAY CHỐNG DỊCH COVID-19
- BÀI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
- Nhịp cầu nối thương yêu
- NGƯỜI CÁN BỘ TẬN TÂM VỚI CÔNG VIỆC
- NGƯỜI ĐI GIEO MẦM YÊU THƯƠNG
- TẤM GƯƠNG NGƯỜI PHỤ NỮ “ GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ”
- NGƯỜI PHỤ NỮ GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ
- THẮP SÁNG NHỮNG ƯỚC MƠ CHO NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH
- NGƯỜI KẾT NỐI NHỮNG TRÁI TIM