Chỉ đạo điều hành
- Hướng dẫn đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN TP năm 2024
- Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 12-4-2023 của v/v phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết các TTHC lĩnh vực lao động thương binh xã hội được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn thành
- Quyết định số 314/SLĐTBXH-QĐ ngày 12/4/2023 về việc công bố danh mục tài liệu sử dụng phần thi viết trong kỳ thi tuyển chức danh Hiệu Trưởng trường Trung cấp ký thuật Tin Học Hà Nội năm 2023
- Quyết định số 1660/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội
- Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 17/3/2023 về việc phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc chức năng quản lý của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT
Người cán bộ tận tâm với công việc
Ngày đăng: 14:38 27/09/2022 | Lượt xem: 1655
Tôi đã được nghe ở đâu đó câu hát: “Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và mặt trời”. Tôi ấn tượng và yêu thích hình ảnh những vì sao, những vì sao tỏa sáng lấp lánh về đêm, sáng một cách nhẹ nhàng, êm ả nhưng không kém phần kiêu sa, rực rỡ. Nếu cuộc đời là bầu trời, mỗi người chúng ta là một vì sao sáng. Tuy đều là sao, đều sáng rực rỡ, nhưng chúng ta là duy nhất. Ta được sinh ra để tỏa sáng cho bầu trời này theo cách riêng nhất của mình. Mỗi ngôi sao đều có sứ mệnh và giá trị riêng của nó. Thật vậy, giá trị của mỗi chúng ta không phụ thuộc vào ngoại hình hào nhoáng bên ngoài, vào những điều chúng ta có thể hay không có thể, vào cách mà chúng ta nhìn nhận vạn vật trong thế giới. Vậy điều khẳng định sự tồn tại của mỗi chúng ta là gì? Phải chăng đó chính là cách ta nhìn nhận mình, cách ta nghĩ sao để sống có ích, cách ta làm việc xuất phát từ trái tim giàu lòng nhân ái, là cách mà chúng ta vẫn đang ở đó, vẫn đang không ngừng nỗ lực và cố gắng cho những số phận kém may mắn, chưa trọn vẹn của cuộc sống này, cách mà chúng ta không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong công việc cùng với năng lượng tràn đầy....âm thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh.....
Giữa những bộn bề, hối hả của cuộc sống này tôi đã gặp một vì tinh tú bé nhỏ luôn chiếu sáng theo cách riêng của mình để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các cháu trẻ khuyết tật…….Vâng, vì sao bé nhỏ đó là chị Trần Thị Hà – tổ trưởng nhà trẻ 1 – Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội.
Chị Trần Thị Hà, người mà tôi muốn kể trong bài viết về tấm gương người tốt việc tốt ngày hôm nay là một người cán bộ đã nghĩ và làm như thế, âm thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh để mang lại những nụ cười hạnh phúc cho trẻ khuyết tật của Trung tâm bởi theo quan điểm của chị “Cho đi là còn mãi”. Chị không nhận mình là vì sao, chị chỉ nhận mình là một người cán bộ có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Nhưng chị đã và đang tỏa sáng theo cách riêng của mình, đó là cảm nhận của cá nhân tôi và cảm nhận của các cháu khuyết tật nơi đây.
Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội được thành lập năm 1966 với chức năng nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng gồm người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trẻ em khuyết tật đang sống tại trung tâm đa phần là khuyết tật đặc biệt nặng, các em không có khả năng chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do các nhân viên hộ lý đảm nhiệm. Chị Trần Thị Hà và những cán bộ của Trung tâm phải thực sự là những người tâm huyết, yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài với công việc. Chị Trần Thị Hà người đồng chí, đồng nghiệp hết sức giản dị, một tấm gương người tốt việc tốt để bản thân tôi và cán bộ nhân viên của Trung tâm học tập và noi theo.
Với 20 năm công tác tại Trung tâm Chị đã dùng một phép nhiệm màu - không phải của một bà tiên hay ông bụt nào đó để sưởi ấm trái tim của những số phận kém may mắn nơi đây. Điều đơn giản và vô cùng gần gũi đó chính là phép màu của “TÌNH YÊU”, sự tận tâm với công việc, tình yêu thương chân thành với các cháu khuyết tật. Chừng ấy thôi là những điều nhỏ bé nhưng vô cùng ấm áp, đáng trân quý trong cuộc sống này.
Chị Trần Thị Hà sinh năm 1980, quê chị ở Phú Châu nơi đây là mảnh đất hiếu học của huyện Ba Vì. Tuy sinh ra trong một gia đình đông anh em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vì có tình yêu dành cho trẻ nhỏ, niềm đam mê với nghề dạy trẻ nên chị đã quyết tâm theo học ngành sư phạm mầm non. Với sự cố gắng của bản thân chị đã hoàn thành ước mơ của mình với tấm bằng sư phạm mầm non, như một cái duyên năm 2002 chị vào làm việc tại Trung tâm và lựa chọn gắn bó với các cháu khuyết tật nơi đây đã tròn 20 năm.
20 năm là quãng thời gian cũng khá dài bây giờ khi nghĩ lại chị vẫn cảm thấy không hối hận vì đã lựa chọn gắn bó với các con. Chị chia sẻ “Những em bé khuyết tật nơi đây vốn sinh ra đã bị thiệt thòi vì khiếm khuyết của cơ thể, bị cha mẹ bỏ rơi, nên bản thân mình luôn dành cho các con tình yêu yêu thương đặc biệt. Chị cảm thấy đau khi các con đau ốm, cảm thấy nhói lòng khi các con khóc”.
Nếu có dịp đến thăm Trung tâm điều mà chúng ta cảm nhận được đó chính là các em nhỏ nơi đây được sống trong yêu thương như sống trong chính ngôi nhà của mình. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng với chị Hà những đứa trẻ nơi đây chẳng khác nào người thân ruột thịt, công việc đặc thù nhiều vất vả đổi lại chị hạnh phúc khi được gọi tiếng “Mẹ” thân thương.
Nhà trẻ 1 của chị hiện đang chăm sóc có 20 cháu khuyết tật, các cháu bị bại não, down, bị liệt, khiếm thị…nên mọi sinh hoạt đều tại chỗ, cần có người chăm sóc 24/24h, tất cả mọi việc từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh. Công việc hàng ngày của chị tuy rất giống như rất nhiều bà mẹ khác nhưng để bao quát, đảm đương thành thạo lại không hề đơn giản bởi các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau, các dạng khuyết tật cũng khác nhau. Chị dành nhiều thời gian tìm hiểu sở thích, thói quen để chăm sóc cho các con chu đáo, đầy đủ nhất. Đối với công việc của mình, chị Hà luôn đòi hỏi bản thân phải tỉ mỉ, cẩn thận khi chăm sóc cho các con. Ở với các con chị biết từng cháu có những đặc điểm gì, thể trạng ra sao mà tùy vào đó có cách chăm sóc riêng cho chúng.
Trẻ khuyết tật gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống đặc biệt là khó khăn trong việc cho ăn nhưng bản thân chị luôn ý thức nâng cao thể trạng cho các con. Những cháu bị bại não khó ăn, khó nuốt chị đề xuất thực đơn ăn trong ngày một cách hợp lý, bữa nào uống sữa, ăn cháo, trẻ cần ăn gì, ăn như thế nào để tăng cân, ăn hết khẩu phần, trẻ không bị sặc… là điều chị rất quan tâm. Vì vậy chị đã tìm hiểu rất kỹ qua tài liệu của các lớp tập huấn, qua mạng internet…để đề xuất những thực phẩm hợp lý cho các cháu ăn hằng ngày. Sữa pha theo tỷ lệ như thế nào để không bị đặc hoặc không bị loãng. Mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những mùa đông trước chị cảm thấy thương các con nhiều hơn nữa. Chị tìm hiểu rất nhiều cách giữ ấm cơ thể trong mùa đông, đề xuất thực đơn ăn phù hợp trong những ngày giá buốt để tăng đề kháng tự nhiên cho các con…Bởi vậy mà các con không bị ốm, không phải nhập viện vì những bệnh nặng, chỉ một vài cháu ốm nhẹ điều trị tại trung tâm trong vài ngày là khỏe trở lại. Khi chia sẻ, chị cũng chỉ cười và nói: “đã là một cán bộ của trung tâm, Mẹ nào cũng sẽ lo lắng chăm sóc các con chu đáo như vậy thôi”.
Thời gian công tác tại Trung tâm chị thấu hiểu những khó khăn và thiệt thòi của trẻ khuyết tật nơi đây, các cháu thiệt thòi về thể chất và cả về tinh thần. Nên ngoài việc chăm sóc thể chất đảm bảo sức khỏe, chị cũng rất quan tâm đến đời sống tinh thần của các con. Giúp các con có một đời sống tinh thần phong phú.
Chị dạy các kỹ năng cơ bản để các con thực hành trong cuộc sống, dạy các con cách khám phá cuộc sống, khám phá và phát huy khả năng của bản thân... Là người được đào tạo về chuyên ngành Giáo dục mầm non nên việc chị vun đắp một đời sống tinh thần cho các con là một việc trong khả năng của mình. Trong một môi trường đặc thù, việc truyền đạt cho các con còn gặp nhiều khó khăn nhưng chị đã và đang làm việc với tất cả nhiệt huyết và niềm tin yêu dành cho các con.
Sau những ngày mưa rầm rề, lạnh buốt đến tê tái của mùa đông, những tia nắng mặt trời ấm áp đang hé lên. Chị cùng các con ra sưởi nắng trong sân nhà. Những câu chuyện về sự chia sẻ, lòng biết ơn, lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó vươn lên…..lại được chị nhen nhóm mỗi ngày qua những trang sách. Chị đắm chìm trong những câu chuyện, bài thơ, thổi tâm hồn mình vào đó khi đọc cho các con nghe. Để các con cảm nhận những giá trị căn bản của mỗi con người trong cuộc sống. Cánh cửa tri thức của các con dần rộng mở, mang theo bao niềm tin tươi sáng, bao ước mơ tuyệt vời. Mang theo cả bao quyết tâm, nỗ lực để bản thân để các con vươn lên trong hành trình chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận kém may mắn. Nhìn những ánh mắt háo hức, tò mò của các con khi nghe chị kể chuyện, nhìn nụ cười hạnh phúc với niềm vui nhỏ bé của chị hiện rõ trên gương mặt tôi bất chợt thấy cuộc sống nhẹ nhàng biết bao. Chừng ấy thôi cũng đủ sưởi ấm trái tim non nớt, như những chồi non xanh mơn mởn ngoài kia đang cần bàn tay chăm sóc, yêu thương để vươn lên khỏe đẹp trong cuộc đời bao khó khăn. Tôi bỗng thấy mình yêu đời đến lạ…Tâm hồn tôi nhẹ lâng, xao xuyến mãi không thôi, trái tim tôi, trái tim của các bạn nhỏ ấy thật sự ấm áp trong cái lạnh giá của mùa đông khắc nghiệt này…
Thời gian dịch bệnh Covid diễn ra phức tạp, Trung tâm đã bố trí trực giãn cách xã hội, mỗi tổ nhà trẻ phân công 2 đồng chí thực hiện nhiệm vụ. Công việc chăm sóc 20 cháu mà chỉ có 2 người nên hầu như chị không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng chị luôn mỉm cười, chị chia sẻ “Bận rộn cũng là một hạnh phúc – hạnh phúc hơn rất nhiều người trong đại dịch này vì mình vẫn có một công việc”. Ca trực của chị trong những ngày cận Tết nguyên đán, nhưng không vì thế chị sao nhãng hay lơ là. Các con của chị đã có những ngày vô cùng ấm áp, vui vẻ. Mỗi khi Mùa xuân đến không khí Tết sẽ len lỏi giữa những thăng trầm, đau thương, giữa bộn bề, tấp nập của cuộc sống thì nơi đây các con có bánh chưng xanh, lì xì đỏ…..Và hơn tất cả các con luôn luôn có những Mẹ như mẹ Hà, luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc các con như những đứa con của mình. Ở nơi đây các Mẹ luôn vui vẻ khi rời xa cái Tết ấm áp bên gia đình thân yêu, rời xa những đứa con bé bỏng để thầm lặng mang những mùa Xuân ấm áp, yêu thương, bình yên đến các con.
Trong việc dạy các con kiến thức, chị đặc biệt quan tâm đến việc dạy và thực hành những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống cho các con. Những kỹ năng cơ bản thường ngày như tự xúc ăn, uống nước, vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo...đối với những trẻ bình thường thì tương đối dễ dàng nhưng đối với trẻ khuyết tật là cả một trở ngại lớn cần vượt qua để có thể thích nghi với cuộc sống. Chị chia sẻ “Khi trẻ hình thành được kỹ năng tự phục vụ cuộc sống của trẻ được cải thiện hơn, giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công. Đây chính là việc làm thiết thực, giúp trẻ phát triển được khả năng của bản thân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống”. Qua thời gian dài kiên trì dạy các cháu một số cháu đã hình thành những kỹ năng tự phục vụ cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày. Các cháu biết tự vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, gấp quần áo, rửa bát…. Các cháu đã hình thành thói quen sinh hoạt khoa học, chủ động thể hiện nhu cầu của bản thân tâm lý của các cháu vui vẻ, tự tin và hòa đồng với mọi người.
Chị Trần Thị Hà đọc truyện cho các con nghe.
Trong số các cháu có khả năng nhận thức của nhà trẻ 1 có cháu Trần Văn Rơi là nhận thức tốt nhất nên chị cũng đã dành nhiều thời gian dạy cháu học. Cháu Rơi bị bỏ rơi ở viện Nhi được đón về Trung tâm khi mới 2 tháng tuổi, cháu bị khuyết tật tay và chân, cháu sinh non thể trạng yếu nên khi còn nhỏ chị và các cán bộ nơi đây chăm sóc vô cùng vất vả. Bàn tay, bàn chân của cháu không có đủ ngón, mỗi bàn tay, bàn chân chỉ có 2 hoặc 3 ngón và bị quặp vào phía trong. Dù vậy chị đã kiên trì cho cháu dùng chân để tự xúc ăn, dùng chân để cầm bút tô màu, dung chân để gấp quần áo, viết chữ…. Để động viên cháu cố gắng rèn luyện chị cho cháu xem rất nhiều tấm gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống tiêu biểu như tấm gương anh Nick Vujivic, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký...Vì vậy bản thân cháu bớt tâm lý mặc cảm, tự ti. Cháu cảm thấy mình có thể làm được những việc có ích cho chính mình. Cháu không được lành lặn như các bạn nhưng cháu có một nghị lực, quyết tâm rất lớn để vượt lên số phận, để là một tấm gương cho các bạn noi theo.
Chị Trần Thị Hà dạy cháu Rơi tập tô
Nhà trẻ 1 có 6 cán bộ, thì có 2 đồng chí là cán bộ trẻ. Lúc mới vào công tác tại đơn vị, tất cả đều cản thấy bỡ ngỡ và lúng túng với công việc chăm sóc trẻ khuyết tật nặng. Bản thân chị Hà đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, cách sắp xếp lịch làm việc khoa học giúp cán bộ mới dễ thích nghi với môi trường làm việc.
Nói về chị, đồng chí Nguyễn Thùy Hạnh - Trưởng phòng Phục hồi chức năng cho biết: “Đồng chí Trần Thị Hà là một đảng viên, tổ trưởng gương mẫu, luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc. Thường xuyên học hỏi, lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất những phương pháp mới, phù hợp để công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, đồng chí thường xuyên quan tâm, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công việc chuyên môn và trong cuộc sống”.
Những ngôi sao xa xôi kia cứ mãi lấp lánh, huyền ảo góp phần tô thêm vẻ đẹp của bầu trời đêm. Chị Trần Thị Hà đã sống và tỏa sáng bằng “trái tim yêu thương”, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Chị sống chan hòa, yêu thương mọi người, mang suối nguồn của tình yêu thương đến với những số phận kém may mắn. Tôi cảm nhận được từ chị : “Cho dù công việc của bạn là gì, địa vị của bạn ở đâu hãy sống và làm việc tràn đầy nhiệt huyết. Vì cuộc đời này không cho phép bạn mặc cảm hay tự ti, vì chúng ta luôn có sẵn một sức mạnh từ lòng nhiệt tình, tận tâm với công việc, một tâm hồn thánh thiện và tinh thần lạc quan…”
Giữa bộn bề và tấp nập của cuộc sống, con người ta dần sống vô cảm và vội vàng. Chúng ta mất niềm tin vào nhau, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng đâu phải thế mà việc tốt không tồn tại trên cuộc đời này. Việc tốt vẫn luôn hiện hữu ngay gần mỗi con người, được tạo ra từ những con người nhỏ bé. Chị Trần Thị Hà là chân dung của người phụ nữ nhỏ bé, làm những công việc nhỏ bé nhưng đủ tạo ra một tình yêu lớn lao. Công việc dẫu vất vả nhưng chị sẵn sàng gắn bó trọn đời. Phần thưởng quý giá nhất với chị không phải lương, thưởng hay chế độ đãi ngộ gì đặc biệt mà chính là được đóng góp một phần tâm sức, tình yêu thương bù đắp những mảnh đời tuổi thơ thiệt thòi, thiếu thốn tình yêu thương của gia đình.
Tấm gương người tốt việc tốt của chị như bông hoa nhỏ, dịu dàng tô thắm thêm rừng hoa muôn màu sắc của Sở Lao động thương binh xã hội Hà Nội. Ðó là một tấm gương bình dị, luôn tỏa sáng giữa đời thường. Những tấm gương người tốt như chị sẽ góp phần vào nhiệm chung của đơn vị, nhiệm vụ cao đẹp của Ngành Lao động Thương binh xã hội Thủ đô là nâng đỡ, yêu thương những mảnh đời bất hạnh, làm ấm trái tim những số phận thiệt thòi, giúp mọi người thêm tin yêu cuộc sống!
Lê Thị Thanh
các tin khác
- Cố lên anh, người đồng nghiệp của tôi!
- TẤM GƯƠNG ĐỒNG CHÍ CÁN BỘ Y TẾ CÓ TẤM LÒNG NHÂN ÁI, YÊU NGHỀ
- Đồng chí Lê Thị Bích Liên “Người cán bộ tận tụy với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm”
- Người Đảng viên gắn bó với công tác quản lý, giáo dục học viên
- “Người tận tình chăm sóc những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm”
- Người cán bộ tận tâm với công việc
- Lan tỏa yêu thương
- CẢM ƠN MẸ! NGƯỜI MẸ SIÊU NHÂN
- ẤM TÌNH ĐỒNG CHÍ TRONG NHỮNG NGÀY CẢ NƯỚC CHUNG TAY CHỐNG DỊCH COVID-19
- BÀI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
hình ảnh
video
thông báo
Thống kê truy cập
- Đang truy cập : 85
- Tổng lượng truy cập: 45.114.766
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh | |