Chỉ đạo điều hành
- Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của UBND Thành phố Quyết định ban hành Quy định, xét, công nhận sáng kiến cơ sở, phạm vi ảnh hưởng hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài khoa học trên địa bàn thành phố Hà Nội và xét, tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô”
- Quy chế số 16-QC/TU ngày 11/8/2022 lãnh đạo chỉ đạo và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội
- Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Hướng dẫn số 2320/HD-LS-LĐTBXH-CA-YT-VH&TT-DL ngày 02/6/2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Quyết định số 389/QĐ- SLĐTBXH ngày 28/4/2023 về việc phê duyệt nội dung, danh mục tài liệu ôn tập và hình thức xét tuyển tại vòng 2, kỳ thi xét tuyển viên chức vào làm tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT
Người vun đắp những tâm hồn kém may mắn
Ngày đăng: 21:42 26/05/2023 | Lượt xem: 1549
Tôi đến Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn trong một ngày mà những tia nắng vốn ấm áp cũng trở nên mỏng manh như sợi chỉ, gió mùa ập về mang theo cái lạnh tê tái đến cắt da, cắt thịt. Cảm giác ấy dễ làm con người ta thấy bơ vơ giữa nhịp sống hối hả của xã hội. Thế nhưng, trước mắt tôi là bầu không khí đong đầy sự ấm áp của tình người, sự vui vẻ, lạc quan vào cuộc sống. Điều đó hiện hữu trên khuôn mặt ngây ngô của từng trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn. Tôi thấy chúng cười nói, vui đùa trong không gian rộng lớn nhưng gần gũi, ồn ào nhưng sâu lắng, chúng chẳng biết ngoài kia gió rét đã ùa về. Xen giữa sự náo nhiệt ấy, Tôi nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ vây quanh người bác sĩ có nụ cười dễ mến, ánh mắt hiền từ, vóc dáng cao lớn, cùng cử chỉ ấm áp… Người đó là Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn - người vun đắp những tâm hồn kém may mắn.
Vươn lên từ những khó khăn
Sinh năm 1968 trong một gia đình thuần nông tại huyện Thạch Thất, Hà Tây, tuổi thơ của bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên gắn liền với những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ký ức về một thời chiến tranh gian nan, thiếu thốn, nhất là hình ảnh những người bị thương do bom đạn, người dân ốm đau bệnh tật nhưng cơ sở y tế bị bom đạn tàn phá, thuốc men khan hiếm, đội ngũ y, bác sĩ quá tải luôn in đậm trong tâm trí anh từ khi còn là một đứa trẻ. Chính những ký ức tuổi thơ ấy đã hun đúc trong anh quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành một thầy thuốc. Với những nỗ lực của bản thân, anh đã thi đỗ vào trường Đại học Y Hải Phòng. Thời gian học tập trải qua rất nhiều khó khăn, anh vừa học, vừa làm thêm đủ thứ nghề để có tiền trang trải việc học. Anh chia sẻ: “Tôi cũng không thể nhớ mình đã làm thêm những việc gì? Tôi chỉ nhớ khi tiếng trống trường vang lên là Tôi lại vội vàng thay chiếc áo rồi chạy đi làm thuê đủ thứ việc để có thêm tiền mua sách và phụ giúp gia đình. Hồi ấy khó khăn lắm, ai cũng đói, cũng nghèo nhưng lại rất giàu tình cảm... Cái Tôi cảm thấy nhớ nhất là sự chân thật từ cuộc sống, sự cống hiến hết mình của tuổi trẻ. Bây giờ khi ngoảnh đầu nhìn lại Tôi không thấy buồn hay tủi thân cho hoàn cảnh của mình mà Tôi chỉ cảm thấy hoàn cảnh ấy đã tạo nên Tôi của ngày hôm nay”. Thành quả cho sự cố gắng của bản thân, sự kiên cường vươn lên trong quá trình học tập là tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Ngày khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng, khắc trong mình lời thề Hippocrate anh đã hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ và bước tiếp chặng đường với sứ mệnh cao cả là đem hy vọng, ánh sáng cho những bệnh nhân là những người kém may mắn trong cuộc sống.
34 năm - Một hành trình chia sẻ yêu thương
Sưởi ấm cuộc đời những bệnh nhân phong!
Khi mới ra trường anh có rất nhiều sự lựa chọn, hướng đi cho tương lai của mình. Giữa muôn vàn ngã rẽ, chàng bác sĩ trẻ ấy lại âm thầm lựa chọn Khu điều trị bệnh nhân phong Hà Tây là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của mình. Anh quyết định gắn bó, đồng hành và làm bạn với sự cô đơn của những người bệnh phong dù trong anh đã thuộc lòng những giai thoại kinh điển về căn bệnh đáng sợ ấy. Anh tâm sự: “ngày ấy Tôi trẻ lắm, trong Tôi có bao hoài bão, ước mơ, Tôi cũng sợ mắc bệnh phong lắm chứ nhưng sự cô đơn của những người bệnh ấy đã tiếp cho Tôi thêm động lực để gắn bó, sẻ chia và đồng hành cùng họ. Hơn nữa đã là một bác sĩ thì việc cứu người là quan trọng chứ không nên để ý xem họ mắc bệnh gì, có lây nhiễm hay không…”. Nghĩ về những điều anh nói, Tôi như cảm nhận được sự lạc quan của những người bệnh phong, dù mang trong mình căn bệnh bị nhiều người xa lánh, kì thị nhưng tại chính nơi tận cùng của sự cô đơn ấy họ lại gặp được sự sẻ chia, động viên, gặp được tình người ấm áp từ những thầy thuốc như bác sĩ Tuyên.
Nhớ lại khoảng thời gian công tác tại Khu điều trị bệnh nhân phong, bác sĩ Tuyên không khỏi ngậm ngùi khi thấy sự cô độc, lẻ loi của người bệnh trong cuộc sống. Sự tự ti, thiếu niềm tin và mất hy vọng vào tương lai của họ đã thôi thúc anh luôn cố gắng trong công việc để mang niềm vui, sự lạc quan bù đắp cho sự cô đơn ấy. Những bệnh nhân ở đây có người thì méo mồm, người thì bị ăn mòn cả tay chân, người thì lở loét khắp mình, những màu xanh, đỏ của thuốc khiến người ta muốn quay đầu bỏ chạy nhưng với sự đồng cảm của người thầy thuốc mà anh đã luôn đồng hành, chia sẻ và động viên họ mỗi ngày. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi là anh hướng họ vào các hoạt động tạo tinh thần lạc quan. Sự quan tâm, gần gũi và những hành động chân thành, thiết thực của anh dành cho các bệnh nhân đã phần nào xua đi sự cô đơn của những người bệnh phong, góp phần xoá đi rào cản, sự phân biệt đối xử của mọi người, giúp họ một lần nữa cảm nhận được hơi ấm của tình người để hồi sinh đầy sức sống và nhiệt huyết với cuộc đời.
Thắp sáng hy vọng cho những người lầm lỡ!
Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến hành trình của anh là các đối tượng tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hà Tây nay là Trung tâm Cai nghiện số 8 Hà Nội. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và chữa trị cho những học viên của mình. Đôi khi anh lúng túng khi gặp các học viên lên cơn vật thuốc, anh bỡ ngỡ trước những bóng dáng vật vờ của những đối tượng nghiện ma tuý, anh ám ảnh bởi những tiếng gào khóc, la hét... thế nhưng cái duyên với nghề đã một lần nữa gắn kết anh với những bóng dáng vô định kia. Với chữ tâm của người thầy thuốc cùng mong muốn giúp đỡ các học viên giảm bớt những đau đớn khi cai nghiện, anh đã tích cực tìm hiểu về những khó khăn mà học viên gặp phải, lựa chọn những biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất để giúp học viên cắt cơn.
Anh dành thời gian gần gũi, chia sẻ, tìm hiểu hoàn cảnh của từng học viên để họ cảm nhận được sự quan tâm, không thấy có khoảng cách, từ đó giúp học viên giảm bớt tự ti, mặc cảm. Ngoài thời gian làm việc, anh thường cùng học viên tham gia các hoạt động thể thao, anh hoà mình vào cuộc sống của đối tượng để hiểu, cảm thông, chia sẻ và động viên họ, bởi với anh chữa bệnh cho người nghiện là chữa bệnh ở tâm. Chính từ những suy nghĩ đó mà anh cùng với đồng nghiệp tích cực tuyên truyền để những người xung quanh hiểu được vai trò của xã hội và cộng đồng trong việc chung tay giúp người nghiện cai nghiện ma túy. Anh kết nối với nhiều cá nhân và tổ chức xã hội tìm kiếm những công việc phù hợp với các đối tượng. Nhờ những cố gắng, sự đồng cảm cùng sự tận tâm trong công việc mà nhiều học viên đã cai nghiện thành công, tìm lại được niềm vui và giá trị của bản thân trong cuộc sống.
Vun đắp những tâm hồn khuyết tật!
Trái tim nhiều yêu thương của người bác sĩ ấy đã đi nhiều nơi, thắp sáng và san sẻ với nhiều mảnh đời kém may mắn. Có lẽ bởi duyên nợ với những mảnh đời yếu thế nên dù ở vị trí công việc nào thì bệnh nhân của anh cũng đều là những mảnh đời bất hạnh. Từ Khu điều trị bênh nhân phong đến Trung tâm Cai nghiện số 8 và nay là Trung tâm Phục hổi chức năng Việt - Hàn, dù ở môi trường công tác nào thì anh vẫn là một người bác sĩ nhiệt huyết, trách nhiệm, giàu tình yêu thương và chính điều đó đã làm nảy nở trong tâm hồn bệnh nhân những hạt mầm của của hy vọng vào cuộc sống mới.
Quan sát một ngày làm việc của anh với các trẻ khuyết tật mới thấy hết sự tận tâm, tận tụy và trách nhiệm cao với công việc. Sáng nào cũng vậy anh đến cơ quan từ sớm để có nhiều thời gian theo dõi sức khoẻ của từng bệnh nhân khuyết tật. Anh tỉ mỉ kiểm tra những thay đổi của trẻ khi dùng thuốc để kịp thời thay đổi phác đồ điều trị. Anh từng nói với tôi: “trẻ em vốn có sức đề kháng kém nhưng với trẻ khuyết tật thì sức đề kháng lại càng yếu hơn, các em là đối tượng dễ bị xâm lấn bởi các loại virus nên việc chăm sóc, chữa trị để trẻ có sức khoẻ tốt là điều kiện giúp các em chống chọi lại dịch bệnh, hạn chế được những đau đớn về thể xác đồng thời tạo nền tảng sức khoẻ cho trẻ tham gia tốt các bài tập phục hồi chức năng”. Để chăm sóc tốt cho các trẻ anh đã không ngần ngại học hỏi từ đồng nghiệp, đọc thêm nhiều sách để hiểu hết những đặc điểm, đăc trưng của từng dạng tật. Vì chúng mà anh không ngại thay đổi cách giao tiếp, cách quan tâm, cách điều trị để giúp chúng có sức khoẻ, tinh thần tốt khi tham gia các bài tập phục hồi chức năng. Hồi đầu anh không thể “nói chuyện” với các trẻ khiếm thính, anh không hiểu chúng cần và muốn điều gì? Đôi khi muốn giúp chúng mà không biết phải làm như thế nào? Do nặng lòng với đám trẻ ấy mà anh không ngần ngại học ngôn ngữ ký hiệu từ các đồng nghiệp, anh đọc thêm sách khi rảnh rỗi. Sự ham học hỏi ở lứa tuổi 50 ấy của anh đã tạo động lực để mỗi cán bộ, nhân viên chúng tôi noi theo và học tập.
Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên tỉ mỉ kiểm tra sức khỏe cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm
Hình ảnh của anh với chiếc áo Blouse trắng mỗi sáng kiểm tra, theo dõi sức khoẻ cho học sinh đã trở thành hình ảnh vừa đẹp, vừa quen thuộc tại Trung tâm. Quan sát cách anh nhẹ nhàng thăm khám, cho các trẻ uống thuốc đủ để thấy tình yêu thương của anh dành cho chúng lớn đến nhường nào. Hàng tháng, anh ân cần kiểm tra sự phát triển về chiều cao, cân nặng của từng trẻ từ đó trao đổi, phối hợp với các kĩ thuật viên trong việc điều chỉnh nội dung các bài tập phục hồi chức năng vừa sức, phù hợp với khả năng của trẻ. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đã phần nào đưa đến những hiệu quả tích cực trong các nội dung can thiệp. Thời gian rảnh, Tôi lại nhìn thấy anh cần mẫn chỉnh sửa, tỉa tót sao cho các em có mái tóc gọn gàng. Những lúc đó anh như hoá thân thành người cha rất đỗi hiền từ và thân thuộc. Nó thân thuộc đến mức khiến chúng tôi không nghĩ đó là một vị Phó Giám đốc nữa mà chỉ thân quen như người cha của đám trẻ. Hình ảnh vốn rất đời thường nhưng lại trở thành hình ảnh đẹp nhất trong mắt của nhiều người. Bởi thế mà khi chia sẻ về ước mơ, có rất nhiều trẻ mong muốn trở thành thợ cắt tóc. Dường như nụ cười thích thú của chúng đã xóa đi những khiếm khuyết trên cơ thể và để lại những khoảnh khắc hạnh phúc được thắp sáng bằng ánh sáng của tình yêu thương, ánh áng từ tấm lòng bao dung, vị tha của người thầy thuốc.
Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ biến kiến thức về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho bà con nhân dân trong Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Trong suốt 12 năm công tác tại Trung tâm anh tích cực tham gia Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; phổ biến kiến thức về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho bà con nhân dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phụ huynh em V.T.T chia sẻ: “Con tôi sinh ra mắc khiếm thính bẩm sinh, chúng tôi không biết làm gì để giúp con, nhưng may mắn trong một lần tham gia buổi tập huấn của bác tại địa phương đã giúp chúng tôi thấu hiểu được những vấn đề của con, sự nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn của bác khiến chúng tôi nhìn thấy hy vọng cho con mình. Cũng qua đó gia đình biết đến Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn. Sau khoảng thời gian học tập tại Trung tâm, đến nay cháu đã có những tiến bộ đáng kể, tương lai của cháu tươi sáng hơn”.
Có ai đó đã từng nói rằng: “nghề nghiệp không làm nên sự cao quý của con người mà chính con người mới làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp” Đúng vậy, trong xã hội có nhiều ngành nghề khác nhau. Dù bằng cách này hay cách khác mỗi nghề đều mang những giá trị riêng, đóng góp nhất định cho sự phát triển của xã hội. Nếu người thợ xây, xây lên những căn nhà thì người làm nghệ thuật lại mang đến niềm vui, tiếng cười; nếu nghề giáo mang tri thức cho các thế hệ học sinh thì nghề y lại mang đến sức khỏe để mỗi người làm việc và cống hiến. Với tinh thần tận tụy quên mình, không ngại khó khăn gian khổ, luôn làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền” nên trong hành trình của mình anh để lại những giá trị nhân văn, để rồi khi nhìn vào anh chúng tôi nhìn thấy sự cao quý của nghề ở đó. Trong cuộc đời của mình anh đã dành cả tuổi trẻ, tình yêu thương, sự nhiệt huyết để chữa lành vết thương, vá lại những khoảng tâm hồn chưa lành lặn và đáng trân quý hơn khi anh luôn khắc phục mọi khó khăn, thử thách để con thuyền nhân ái ấy vượt qua mọi sóng gió vươn đến cái đích của hòa nhập cộng đồng cho những người cần sự bao dung và đồng cảm.
Người lãnh đạo tận tâm, hết lòng vì công việc
Không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, tích cực giúp đỡ những bệnh nhân của mình, xây dựng tinh thần đoàn kết cùng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên được đánh giá cao và đề bạt là Trưởng phòng Y tế phục hồi chức năng rồi Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn. Ý thức được trách nhiệm nặng nề trên cương vị mới anh đã không ngừng hoàn thiện bản thân, tích cực xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với sự phát triển của Trung tâm trong từng giai đoạn. Anh luôn đôn đốc, tạo điều kiện để các cán bộ, nhân viên Trung tâm tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng các phương pháp, biện pháp can thiệp mới, phù hợp với từng trẻ để nâng cao hơn chất lượng phục hồi chức năng.
Trong suốt hơn 30 năm tuổi Đảng, anh luôn là một đảng viên mẫu mực, là Phó Bí thư Chi bộ trách nhiệm, là tấm gương sáng để các đảng viên noi theo và học tập. Trong công việc, anh luôn chủ động tham mưu với Chi bộ, Ban Giám đốc các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Chi bộ cũng như hình ảnh của Trung tâm. Dù ở cương vị mới nhưng anh vẫn luôn dành sự quan tâm cho các trẻ. Anh luôn phối hợp với các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội huy động sự giúp đỡ chung tay của cộng đồng trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động trải nghiệm nhằm tạo cơ hội để các trẻ có điều kiện rèn kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ. Anh chủ động phối hợp với bệnh viên tim Hà Nội, bệnh viện Phổi Trung ương… trong việc thăm khám, phát hiện sớm bệnh lao, bệnh tim bẩm sinh ở trẻ. Những chương trình kết nối hiệu quả và thiết thực đã để lại tiếng vang trong suy nghĩ của phụ huynh, tạo dựng niềm tin với gia đình học sinh và xã hội.
Với những cống hiến của mình trong thời gian qua anh cùng với Ban Giám đốc, cán bộ, nhân viên từng bước nâng Trung tâm lên một tầm cao mới. Với những thành quả đó, hiện nay có nhiều đoàn từ thiện, nhiều nhà hảo tâm đã đến Trung tâm để chia sẻ với các trẻ khuyết tật. Sự quan tâm của anh, sự đoàn kết của các cán bộ, nhân viên, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã giúp các trẻ khuyết tật cảm nhận được tình yêu thương, tạo động lực để các em cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện. Giờ đây, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn đã trở thành mái ấm giàu tình thương, nơi nuôi dưỡng và ươm mầm ước mơ cho nhiều trẻ khuyết tật. Từ mái ấm này nhiều trẻ đã trưởng thành, hoà nhập cộng đồng và thực hiện ước mơ của chính mình. Kết quả đó là quả ngọt của tình yêu thương và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của anh - người bác sĩ của những mảnh đời bất hạnh.
Có thể khẳng định rằng những cố gắng, đóng góp của anh cho các trẻ khuyết tật đã phần nào đưa đến sự phát triển của Trung tâm. 12 năm công tác tại Trung tâm đã một lần nữa khẳng định được ý chí và nghị lực cũng như tấm lòng nhân ái, vị tha, đức hy sinh của anh cho những mảnh đời bất hạnh. 12 năm qua, anh và các đồng nghiệp vẫn đang lặng lẽ viết tiếp bài ca đẹp về tình người, cách ứng xử nhân văn với những người kém may mắn, cô đơn trong chính cuộc sống của mình. Dù ở đâu, vị trí nào, dù bệnh nhân của mình là ai thì người bác sĩ ấy vẫn giữ được tinh thần “lương y như từ mẫu”. Từ những bệnh nhân phong nhiều tự ti đến những học viên cai nghiện bơ vơ giữa cuộc đời và nay là những đứa trẻ với những mảnh tâm hồn vụn vỡ thì anh vẫn xuất hiện ở đó để vun đắp, thắp sáng cho tương lai của họ. 55 tuổi đời với 34 năm tuổi nghề, 34 năm ấy anh đã dành trọn cả thanh xuân và tuổi trẻ để vun đắp tâm hồn những người yếu thế. 34 năm thực hiện hành trình chia sẻ yêu thương anh đã lấy đi sự tư ti, mặc cảm của các đối tượng yếu thế và gửi lại cho họ sự tự tin, tinh thần lạc quan vào cuộc sống, giúp họ một lần nữa có thêm nghị lực để bước tiếp những bước chân vững trãi trên con đường hoà nhập cộng đồng.
Nhà văn Victor Hugo đã từng nói rằng: “con người sống không có tình thương cũng giống như vườn hoa không có ánh nắng mặt trời, không có gì đẹp đẽ và hữu ích có thể nảy nở được trong đó”. Tình yêu thương đã khơi gợi, làm nảy nở những giá trị nhân văn ẩn sâu trong mỗi người, nó trở thành chất xúc tác để ngọn lửa yêu thương luôn cháy giữa cuộc đời. Tình yêu thương của bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên dành cho những mảnh đời kém may mắn sẽ mãi như những đốm lửa nồng ấm, mạnh mẽ và kiên cường, tiếp sức cho họ vượt qua số phận để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này là lúc Tôi đang ngắm nhìn gương mặt những đứa trẻ nơi đây, chúng đang nô đùa trước mặt tôi, nhưng Tôi không hề thấy sự tàn tật trong ánh mắt, nụ cười của chúng. Bởi trong những khiếm khuyết về thể xác ấy, nhìn thật sâu vào bên trong con người các em, Tôi thấy một tâm hồn lành lặn và trong sáng. Tất cả là nhờ có anh, nhờ những suy nghĩ và hành động của anh khiến cho chúng tôi hiểu rằng tình yêu thương luôn là “liều thuốc” chữa lành mọi vết thương, tạo sức mạnh cảm hóa diệu kì đối với những người “lầm đường lạc lối”, giúp những người bất hạnh cảm nhận được tình người ấm áp trong cuộc sống./.
Tác giả: Đặng Thị Hồng Vân
Trung tâm Phục hồi chức năng Việt -Hàn
các tin khác
- Đồng chí Phạm Thị Thu Hà một tấm gương người tốt, việc tốt lan tỏa yêu thương - ấm áp tình người
- Nữ cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với nghề, tận tụy trong công việc
- Người cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với bệnh nhân
- Tự hào người chiến sĩ áo trắng
- Người cán bộ tận tâm với công việc
- Cố lên anh, người đồng nghiệp của tôi!
- TẤM GƯƠNG ĐỒNG CHÍ CÁN BỘ Y TẾ CÓ TẤM LÒNG NHÂN ÁI, YÊU NGHỀ
- Đồng chí Lê Thị Bích Liên “Người cán bộ tận tụy với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm”
- Người Đảng viên gắn bó với công tác quản lý, giáo dục học viên
- “Người tận tình chăm sóc những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Trung tâm”
hình ảnh
video
thông báo
Thống kê truy cập
- Đang truy cập : 67
- Tổng lượng truy cập: 46.657.843
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh | |