Chỉ đạo điều hành
- Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của UBND Thành phố Quyết định ban hành Quy định, xét, công nhận sáng kiến cơ sở, phạm vi ảnh hưởng hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài khoa học trên địa bàn thành phố Hà Nội và xét, tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô”
- Quy chế số 16-QC/TU ngày 11/8/2022 lãnh đạo chỉ đạo và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội
- Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Hướng dẫn số 2320/HD-LS-LĐTBXH-CA-YT-VH&TT-DL ngày 02/6/2023 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Quyết định số 389/QĐ- SLĐTBXH ngày 28/4/2023 về việc phê duyệt nội dung, danh mục tài liệu ôn tập và hình thức xét tuyển tại vòng 2, kỳ thi xét tuyển viên chức vào làm tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT
Nét đẹp từ những điều giản dị!
Ngày đăng: 21:23 09/06/2023 | Lượt xem: 528
Khi hơi thở ồn ào, tấp nập của nhịp sống hiện đại đang cuốn chúng ta theo dòng chảy hối hả của cuộc đời, bạn đã bao giờ dừng lại để lắng nghe và chiêm nghiệm những điều rất đỗi bình thường, giản dị nhưng lại rất lớn lao, đẹp đẽ xung quanh mình? Đã bao giờ bạn cảm thấy trái tim mình xao xuyến bởi nốt trầm sâu lắng mà âm vang trong bản hòa ca của cuộc sống?
Không có những thành tích nổi bật để người người biết đến, không có bao “chiến công” vang dội mà ai ai cũng có thể nhận ra! Chỉ là những việc làm tuy nhỏ nhưng lại giống như giọt nước trong veo thấm vào lòng đất, rồi hòa vào dòng chảy tạo thành suối, thành sông và hợp lại thành biển cả! Cũng giống như những con ong cần cù, siêng năng góp thêm hương hoa để làm nên giọt mật ngọt dâng hiến cho đời!
Và hôm nay, tôi xin được viết về một người đồng nghiệp như thế! Một người đã có 24 năm âm thầm, tận tâm, tận lực, miệt mài cống hiến tâm huyết và công sức của mình cho ngành Lao động -Thương binh Xã hội; người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chúng tôi về một tình yêu, một nghị lực vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với cái nghề luôn được coi là “đặc biệt gai góc này”! Đó là đồng chí Nguyễn Thị Hòa - Tổ trưởng Tổ phục vụ, phòng Tổ chức hành chính, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội; người mà chúng tôi vẫn thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến: “Cô Hòa”!
Sinh ngày 21/10/1968, tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội, lớn lên rồi lập gia đình cũng chính tại mảnh đất vùng trung du Bắc bộ yên bình và giàu truyền thống này, cô Hòa trải qua những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ êm đềm bên cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, với lũy tre xanh và câu ca xứ Đoài ngọt ngào, đằm thắm. Đầu tháng 9 năm 1999, cô Hòa bắt đầu bén duyên với nghề khi được tuyển dụng làm làm hợp đồng tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội và gắn bó với ngành Lao động- Thương binh Xã hội cho đến ngày nay. Xuất phát điểm là một người chưa từng được đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về nghề nghiệp của mình, hành trang và cơ duyên vào nghề của cô có lẽ chính là bản lĩnh của tuổi trẻ; là ước mơ được thử thách, được khám phá một lĩnh vực công việc hoàn toàn mới mẻ đối với cô!
Trong suốt 24 năm làm việc tại Cơ sở, cô Hòa được phân công đảm nhận nhiều nhiệm vụ, luân chuyển nhiều vị trí công việc khác nhau. Từ quản lý, chăm sóc, giáo dục đối tượng là gái mại dâm nhiễm HIV rồi nữ nghiện ma túy và nữ nghiện ma túy nhiễm HIV đến công tác phục vụ bếp ăn tập thể cho cán bộ công nhân viên. Cho dù ở vị trí công việc nào, cô cũng luôn dành hết tâm huyết, sự tận tâm, tận tụy và tấm lòng của mình để hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hòa - Tổ tưởng Tổ phục vụ, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
Đem tình yêu thương và lòng nhân ái xóa nhòa mọi khoảng cách!
Nằm giữa vùng núi Ba Vì nên thơ, hùng vĩ đang có một ngôi trường đặc biệt, là ngôi nhà chung, là “nẻo về” cho bao cuộc đời đã từng vấp ngã và những số phận kém may mắn. Đó chính là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội- đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Thành lập từ năm 1992, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý giáo dục gái mại dâm. Sau đó liên tục được bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ: Năm 1998 tiếp nhận, quản lý giáo dục, chữa bệnh bắt buộc và dạy nghề cho nữ giới hành nghề mại dâm có nghiện ma túy và nữ giới nghiện ma túy; năm 2001 chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Hà Nội; năm 2004 tiếp nhận người nghiện ma túy là nam giới và năm 2010 là quản lý người sau cai nghiện ma túy. Hiện nay, đơn vị là nơi đang điều trị cho người cai nghiện ma túy; nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV và người nhiễm HIVcó hoàn cảnh khó khăn. Đây là một nhiệm vụ hết sức phức tạp mang tính chất đặc thù đòi hỏi đội ngũ cán bộ công nhân viên phải có đủ bản lĩnh, đủ nghị lực, có đủ tấm lòng khoan dung, cảm thông, chia sẻ và đôi khi phải hy sinh những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống để giúp những mảnh đời lầm lỡ mở lại cánh cửa tương lai, làm lại cuộc đời. Trong đó, cô Nguyễn Thị Hòa là một trong những cán bộ có tuổi đời và tuổi nghề gắn bó lâu dài với đơn vị, cũng là một người có những cống hiến không biết mệt mỏi, chưa từng nản lòng trước những gian nan, thách thức mà chỉ những người trong nghề mới có thể cảm nhận hết được.
Trong những năm được phân công nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, giáo dục đối tượng là gái mại dâm nhiễm HIV rồi nữ nghiện ma túy và nữ nghiện ma túy nhiễm HIV, cô Hòa đã đến bên họ bằng tình yêu thương, tấm lòng nhân ái với mong muốn xóa nhòa những khoảng cách, sự nghi ngại của người đời đối với những mảnh đời lầm lỡ. Phải trực tiếp làm công việc này, người ta mới có thể cảm nhận được hết những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe và ngay cả tính mạng của mình. Cụm từ “HIV” khiến chúng ta liên tưởng tới bóng đen của những “Đại dịch”, “Hiểm họa”, “Lây lan”, “Chết người”, là “Kỳ thị” hay “Tệ nạn xã hội”… Việc chăm sóc, quản lý, giáo dục đối tượng này vô cùng gian nan, mà phức tạp nhất là đối với người nghiện ma túy nhiễm HIV. Do ảnh hưởng của ma túy lên não bộ nên người cai nghiện thường có biểu hiện tâm lý, hành vi bất thường, khó kiểm soát. Có những người ngay từ khi mới vào Cơ sở đã liên tục gào thét, chửi bới, phá phách; những người có triệu chứng trầm cảm thì bỏ ăn, bỏ uống, lúc khóc, lúc cười…Có khi còn bẻ cành, bứt lá, cầm đá rượt đuổi và đe dọa những người xung quanh. Để giúp những tâm hồn đã chai sạn, dạn dĩ, thậm chí trơ lì này thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, rèn luyện kỹ năng để trở về với cuộc sống đời thường và trở thành những công dân có ích cho xã hội đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì, đôi khi là cả sự hy sinh của mỗi người cán bộ.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hòa (thứ 2 từ bên phải sang) thân thiết, gần gũi bên các học viên
Cảm nhận được điều đó, trong suốt khoảng gian quản lý, chăm sóc đối tượng này, cô Hòa đã không ngừng nâng cao nghiệp vụ từ việc tự học: Học hỏi từ đồng nghiệp, tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hoàn thiện bản thân; nhất là trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV. Thế nhưng, có lẽ “trang giáo án” hiệu quả nhất dành cho học trò của mình chính là cô đã mang tâm thế, tấm lòng của một người bạn, người chị, một người thân trong gia đình để khơi gợi niềm tin, để truyền cảm hứng cho những bước chân đã từng vấp ngã có đủ mạnh mẽ và hy vọng đứng lên làm lại cuộc đời. Với nhiệm vụ đặc thù, quỹ thời gian của mỗi người cán bộ ở Cơ sở dành cho công việc và cơ quan luôn nhiều hơn ở nhà. Vậy mà, có nhiều đêm, cô Hòa không về bên gia đình mà tự nguyện ở lại đơn vị; dành thời gian nhiều nhất có thể để được gần gũi, chuyện trò, chia sẻ cùng với học trò của mình. Mỗi buổi tối như thế, cô có thể ngồi hàng giờ để lắng nghe những câu chuyện kể không đầu, không cuối; những lời tâm tình từ đáy lòng nhưng cũng chất chứa ai oán, bi thương của những mảnh ghép cuộc đời chưa tròn vẹn. Người trong nghề chúng tôi vẫn hiểu rằng, những câu chuyện, lời kể, lời trình bày của người nghiện thường là “không rõ thực hư”, “không tường mục đích”. Tuy nhiên, cô Hòa lại luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng trao cho họ một niềm tin xuất phát từ tấm chân tình; sẵn sàng thấu hiểu để cảm thông và chia sẻ. Trong mỗi câu chuyện của họ, bằng lời nói dịu dàng và ánh mắt chân thành, cô Hòa đã nhẹ nhàng phân tích, khuyên bảo để làm vơi đi mặc cảm, tự ti và xoa dịu những nỗi đau nghiệt ngã của bệnh tật mà những số phận kém may mắn ấy đang phải trải qua; giúp họ vượt lên những khủng hoảng tinh thần, những ám ảnh do những biến cố cuộc đời gây ra trong quá khứ. Từ đó, cô đã cảm hóa được biết bao người, giúp họ dần tỉnh ngộ và thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành vi theo chiều hướng tích cực. Cái tên “cô Hòa” đã trở nên rất đỗi quen thuộc, gần gũi, thân thương đối với bao con người đã từng một thời lầm lỗi ấy. Tình thương, tấm lòng nhân ái, bao dung của cô là nguồn cảm hứng khơi dậy nghị lực, niềm tin để học viên của mình bước qua lầm lỡ, làm lại cuộc đời.
Một trong những ấn tượng rất đáng ghi nhớ là hình ảnh cô Hòa chăm sóc học viên điều trị ở bệnh viện như với chính người thân trong gia đình. Chăm sóc bệnh nhân vốn đã không dễ dàng, chăm sóc bệnh nhân là người nghiện ma túy và đặc biệt là người nhiễm HIV còn khó khăn hơn gấp bội phần. Bởi lẽ, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một hành vi bột phát không an toàn là người cán bộ có thể bị phơi nhiễm virut HIV bất cứ lúc nào. Đồng thời, không chỉ phải vệ sinh cá nhân, chăm sóc thuốc men, ăn uống cho người bệnh mà còn luôn phải đối mặt với nguy cơ học viên lợi dụng sơ hở để bỏ trốn; thậm chí nhiều trường hợp do buồn chán, thất vọng vì bệnh tật còn đe dọa gây nguy hiểm cho những người xung quanh, trong đó có cả người cán bộ đang chăm sóc cho mình. Vậy mà, Cô Hòa đã không quản ngại nguy hiểm, rất nhiều lần cô xung phong, tình nguyện ăn ở ngoài bệnh viện cùng với học viên của mình; tự tay tắm rửa, thay đồ, giặt giũ để họ luôn được sạch sẽ và cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là một việc mà không phải ai cũng đủ can đảm để làm. Bởi kể cả với những người được đào tạo bài bản về kỹ năng chăm sóc trực tiếp cho người nhiễm cũng như cách phòng chống lây nhiễm HIV cũng có thể gặp nguy hiểm. Thấy cô gần gũi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV, nhiều người không khỏi nghi ngại, lo lắng và thậm chí cố ý tránh xa không dám đến gần. Không chỉ chăm sóc người bệnh tận tình như đối với người thân, cô còn thường xuyên động viên, vỗ về để làm xoa dịu những cơn đau; phân tích, khuyên nhủ để họ từ bỏ những toan tính, âm mưu đang len lỏi trong suy nghĩ và hành động của mình. Chính giọng nói dịu dàng, ánh mắt ấm áp, nụ cười tỏa sáng và tấm lòng của cô đã làm vơi đi những mặc cảm, tự ti; chữa lành những gai góc trong tâm hồn của những con người đã từng mất đi định hướng trong cuộc sống. Có người đã từng hỏi cô rằng có sợ không khi làm một công việc mà mới nghe đến thôi đã khiến cho người ta phải sợ hãi và tránh xa như vậy? Cô ấy không nói gì, chỉ nhìn họ và nở nụ cười tươi. Câu trả lời còn bỏ ngỏ nhưng chúng tôi - những người trong nghề đều hiểu rằng, chỉ có tấm lòng nhân ái, sự thấu hiểu và cảm thông chân thành mới có thể giúp người ta vượt qua những lo lắng, xóa đi khoảng cách vô hình để đến gần hơn, yêu thương hơn những con người vốn vẫn còn đang bị người đời kỳ thị, xa lánh này. Và cũng có lẽ, chính những việc làm tuy nhỏ nhoi ấy đã góp phần làm lay động lòng trắc ẩn, truyền cảm hứng và tạo động lực để dần xua tan đi sự e dè của đồng nghiệp đối với công tác chăm sóc người nhiễm HIV và trẻ em nhiễm HIV trong đơn vị trong suốt thời gian qua.
Đã có biết bao vết rạn nứt trong tâm hồn tưởng chừng không thể nào hàn gắn nổi đã được hóa giải bởi tình thương, sự chân thành và những việc làm tử tế ấy. Có bạn học viên đã từng nắm lấy bàn tay của cô, rưng rưng xúc động: Cô ơi, từ trước đến nay, không ai dám đến gần em. Người ta nhìn em với ánh mắt kỳ thị, xa lánh như nhìn một kẻ bỏ đi, một kẻ có thể gieo rắc rủi ro, đen đủi cho mọi người. Đây là lần đầu tiên trong đời, em được một người xa lạ, không thân thích ruột thịt chăm sóc, yêu thương như người thân; giúp em cảm nhận được tình thương, sự ấm áp và niềm tin của cuộc sống. Cảm ơn cô rất nhiều. Chắc chắn, khi được trở về cộng đồng, em sẽ quyết tâm từ bỏ tất cả những lỗi lầm trong quá khứ để làm lại cuộc đời cô ạ.
Vâng, dẫu biết rằng con đường làm lại cuộc đời của họ còn nhiều chông gai, trắc trở, nhưng những cảm xúc và suy nghĩ như thế này chính là quả ngọt từ sự cho đi thuần túy, không mưu cầu được nhận lại của những người làm đang công tác trong nghề cai nghiện ma túy như cô Hòa.
Chu đáo, tận tụy chăm lo cho sức khỏe của đồng nghiệp trong từng bữa ăn!
Trong 24 năm công tác đã qua, cô Nguyễn Thị Hòa cũng thường xuyên được phân công làm phục vụ bếp ăn cho cán bộ công nhân viên của đơn vị. Từ năm 2016 đến nay, cô được Ban lãnh đạo đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng Tổ phục vụ bếp ăn cán bộ. Trên lĩnh vực công việc mới này, cô Hòa đã trở thành một người em, người chị hiền thảo, tận tụy, chu đáo trong việc chăm lo từng bữa ăn cho một gia đình lớn.
Trong suy nghĩ và cảm nhận của cô Hòa, những người đồng nghiệp của mình đều đang phải đảm đương khối lượng công việc vô cùng vất vả và áp lực. Không chỉ vậy, những ngày trực, chúng tôi phải ở lại cơ quan cả 24/24 giờ, một tuần có khoảng từ 2 đến 4 ngày như thế, thậm chí có thể là cả tuần, cả tháng do yêu cầu công việc. Những bữa cơm trưa, tối ở tại cơ quan dường như nhiều hơn ở nhà và bếp ăn cán bộ đã trở thành nơi để tranh thủ nghỉ ngơi, bổ sung năng lượng cho khoảng thời gian làm việc tiếp theo. Chính vì lẽ đó, đối với cô Hòa, việc đem đến cho đồng nghiệp của mình một bữa ăn ngon miệng, lành mạnh, đủ dinh dưỡng chính là một trách nhiệm, một niềm vui lớn trong công việc. Với vai trò là tổ trưởng, cô Hòa cùng các đồng nghiệp rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong xây dựng thực đơn ăn hàng ngày sao cho vừa phong phú, khoa học, đảm bảo chất dinh dưỡng lại vừa phù hợp với tài chính đóng góp của cán bộ. Các món ăn được thay đổi thường xuyên, phù hợp với thời tiết, mùa vụ, phù hợp với sở thích, khẩu vị đại đa số mọi người. Cô cũng là người luôn chặt chẽ, sâu sát trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm đến khâu chế biến, bảo quản món ăn phải đạt yêu cầu. Bếp ăn, dụng cụ nấu nướng và ăn uống như bát, đũa, xoong, nồi... luôn được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. Cô cũng luôn nhắc nhở mọi người từ những việc nhỏ nhất như phải tiết kiệm chất đốt đến tiết kiệm điện, nước; đồng thời phải rất cẩn thận trong quy trình sử dụng các bếp ga, bếp điện và quá trình chế biến nấu ăn để đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác cháy nổ và an toàn lao động.
Không chỉ đem đến những bữa ăn ngon miệng, đủ chất và lượng, cô Hòa còn luôn tìm tòi, sáng tạo và tham mưu đề xuất những món ăn đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. Các bữa ăn thường tăng thêm rau xanh - rau sạch, hạn chế đường, muối và dầu mỡ để làm giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, mỡ máu… và nhiều bệnh khác. Trong mỗi bữa ăn, cô thường dành thời gian để quan sát xem mọi người ăn có ngon miệng không, có ăn đủ no không, món nào ăn hết và món nào còn thừa? Đó luôn là điều cô quan tâm nhất để từ đó giúp bản thân rút ra được những kinh nghiệm và tạo ra nhiều món ăn hơn để đồng nghiệp của mình có được một sức khỏe tốt nhất qua bữa ăn hàng ngày tại cơ quan. Những giải pháp, những kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đem lại sức khỏe và sức lao động cho mọi người được cô đúc kết, chuyển tải thành những sáng kiến kinh nghiệm có giá trị được ban lãnh đạo đơn vị công nhận và đánh giá cao.
Có rất nhiều hôm, tôi lại thấy cô tất tả, khệ nệ xách những túi to, túi nhỏ mang vào cơ quan. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, cô cười tươi:
- Đây là đùm khế chua, hôm qua cô với chú (chồng cô) sang nhà hàng xóm xin trẩy mang vào để trưa nay nấu canh cá; đây là túi rau mùng tơi cô trồng ở vườn, rau sạch một trăm phần trăm đấy nhé; còn kia là mẻ cá rô hôm qua đứa cháu nó tát ao mang cho, cô sơ chế rồi mang vào nấu cho cán bộ ăn thêm. Cô Hòa lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán, vừa nói, ánh mắt cô vừa ánh lên niềm vui khi hôm nay lại được góp một phần nho nhỏ vào bữa ăn cho cán bộ.
Cứ như vậy, khi thì chùm sung, khi thì mớ rau muống, khi thì món khoai, quả cà chua…. - thành quả của cô trong những ngày nghỉ hoặc có khi là nhà hàng xóm, anh em họ hàng mang cho, cô đều chắt chiu, dành dụm mang vào cơ quan để bổ sung thêm vào bữa ăn của đồng nghiệp, vừa là thực phẩm sạch lại vừa đỡ lãng phí.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hòa say sưa với công việc của mình
Những ngày không quên! Cụm từ này khiến chúng ta bồi hồi nhớ đến khoảng thời gian dịch bệnh Covid - 19 căng thẳng từ cuối năm 2019 đến nay. Có những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị bố trí cán bộ trực theo ca từ 7 ngày, 14 ngày rồi 21 ngày. Những lúc đó, 100% cán bộ công nhân viên của Cơ sở đều nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc!”, vừa tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh! Lúc này, nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất của cô Hòa là làm sao có thể tăng thêm khẩu phần ăn cả về số lượng và chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tăng động lực tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ trong mùa dịch; trong khi vẫn giữ được sự ổn định trong đóng góp tài chính của mọi người. Cô tâm sự “Mọi người ở liền cơ quan liên tục cả chục ngày, phải ăn uống đảm bảo thì mới có sức mà chống chọi dịch bệnh và làm tốt được công việc; mới làm vơi đi cảm giác nhớ hương vị món ăn gia đình. Nếu phải tăng thêm số tiền đóng góp của cán bộ thì thực lòng cô không muốn chút nào, vì nhiều người hoàn cảnh gia đình còn khó khăn…”. Nghĩ là làm! Cô liền mạnh dạn đề xuất lên Ban Giám đốc Cơ sở xin được hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho cán bộ; đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường trồng thêm rau xanh, cây ăn quả để tự cung cấp nguồn thực phẩm vừa sạch và vừa giàu vitamin trong từng bữa ăn. Khi nhận được phản hồi chấp thuận và tạo điều kiện từ ban lãnh đạo đơn vị, cô vui lắm! Thế là, cô nhiệt tình vận động và hăng hái cùng mọi người cải tạo, dọn dẹp những bãi đất còn trống, phát quang bụi rậm, cỏ gai của đơn vị để trồng thêm rau xanh. Mặc dù khu đất cải tạo bên cạnh đồi chè rất khô cằn sỏi đá, nhưng dưới bàn tay chịu thương, chịu khó chăm chút hàng ngày của cô và mọi người, những luống rau muống, mồng tơi, rau dền… cứ vươn lên mơn mởn. Bữa ăn của cán bộ trong những ngày giãn cách lại được bổ sung thêm những món ăn ngon, những đĩa rau xanh sạch… Cô Hòa là thế đó! Đã làm việc gì là dồn hết cả tâm huyết, tấm lòng và cả những yêu thương vào đó. Lúc nào cô cũng nghĩ cho người khác, lo cho người khác hơn chính bản thân mình! Có thể nói trong suốt những năm qua, cô Hòa đã góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo, nâng cao sức khỏe cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Bếp ăn của cô chưa từng xảy ra trường hợp ngộ độc thức ăn hay các loại dịch bệnh khác liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa từng xảy ra vụ việc cháy nổ hay mất an toàn lao động nào.
Gương mẫu trong đạo đức, lối sống; người kết nối tình đồng nghiệp và truyền cảm hứng về nghị lực vượt lên khó khăn, vất vả để gắn bó với nghề mà mình đã chọn!
Sống trong một môi trường mà đặc thù công việc rất dễ khiến người ta lợi dụng để trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, cô Hòa đã luôn gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nội quy quy chế, quy định của ngành; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức và lối sống giản dị, trong sáng. Tổ phục vụ của cô Hòa hiện nay có 04 đồng chí và nhiều cán bộ thường xuyên trực tăng cường. Trong một tập thể, chắc chắn rằng mỗi người mỗi nét, mỗi cá tính và mỗi hoàn cảnh riêng. Là một người cô, người chị, một tổ trưởng, cô luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với mọi người về công việc, về gia đình và về những lo toan bộn bề của cuộc sống. Cô luôn mong muốn được kết nối mọi người lại với nhau như là những người thân yêu trong một gia đình bằng sợi dây vô hình có tên gọi “Đồng nghiệp”. Cô đối xử thân thiện, hòa nhã với mọi người, nêu những ý kiến thấu tình đạt lý đến các vấn đề trong công tác chuyên môn; đồng thời cũng kiên quyết chỉ ra cái sai, ủng hộ điều đúng, nhiệt tình trong các phong trào tập thể. Bận rộn là vậy nhưng cô vẫn dành thời gian để chỉ dẫn, truyền kinh nghiệm quý báu cho những người em, người cháu của mình rất nhiệt tình và trách nhiệm; cô luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người cả trong công việc và cuộc sống. Ở cái tuổi 54 nhưng cô vẫn hòa đồng, nhiệt tình tham gia các hoạt động của đơn vị và ban nữ công; tình nguyện tham gia các buổi lao động công ích chăm sóc vườn cây ăn quả, dọn dẹp, vệ sinh môi trường trong đơn vị. Ở địa phương, cô luôn giữ mối quan hệ thân tình, hòa đồng, tương trợ, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn; tích cực tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, các cuộc vận động ủng hộ qũy phúc lợi xã hội... Cô cũng chính là người vợ hiền, dâu thảo, con cái ngoan ngoãn, thành đạt trong một gia đình mẫu mực của xóm làng.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hòa (ngoài cùng bên phải) vui tươi, hòa đồng bên các đồng nghiệp nữ
Khoảng cách từ nhà cô Hòa vào cơ quan xa gần 20km lại không dám đi xe máy do bị ám ảnh từ một lần ngã xe; bản thân có nhiều bệnh mãn tính phải theo dõi, điều trị tích cực thường xuyên; công việc nhiều khó khăn, áp lực và thậm chí là luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm; rồi quỹ thời gian dành để chăm sóc cho gia đình rất ít ỏi, phần lớn là dành cho công việc tại cơ quan; bây giờ cô cũng đã bước sang tuổi 54, cái tuổi sắp được nghỉ ngơi sau một chặng đường dài cống hiến không biết mệt mỏi cho nghề …. Gian nan, vất vả là thế nhưng dường như chưa bao giờ làm vơi đi trong cô lòng yêu nghề; không hề làm phai nhạt nhiệt huyết, quyết tâm gắn bó và mong muốn được cống hiến lâu dài với công việc mà mình đã chọn. Giờ đây, khi tôi ngồi viết bài này thì cũng là lúc cô Hòa vừa phải trải qua một thời gian điều trị tại bệnh viện và đang trong quá trình hồi phục. Đến thăm cô vào một ngày nắng mới, nhìn cô gầy và xanh xao hơn rất nhiều nhưng gương mặt và ánh mắt thì vẫn ánh lên một niềm lạc quan mãnh liệt. “Hay là cô xin nghỉ hưu trước tuổi đi, về nhà nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe, chăm sóc vườn rau và ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của mình. Thỉnh thoảng cô lại gửi vào cơ quan ít rau sạch nhà trồng là chúng cháu sẽ luôn nhớ đến cô rồi mà” - tôi nói. Cô cười: “Các em nó cũng khuyên cô như vậy nhưng giờ về nghỉ thì buồn lắm, nhớ cơ quan và mọi người lắm. Cô sẽ tập luyện hồi phục thật tốt để nhanh được đi làm, cố gắng đến khi nào không còn có thể, khi nào sức khỏe không còn cho phép nữa thì thôi”. Trong khi, có nhiều người vì không chịu được khó khăn và áp lực công việc mà đã bỏ nghề, cũng không ít đồng chí cán bộ còn tâm lý, tư tưởng dao động, lung lay muốn được thử sức trong một lĩnh vực công việc mới. Chính vì vậy, lòng yêu nghề của cô, nghị lực và tinh thần lạc quan của cô thực sự đã trở thành một tấm gương sáng, một nguồn cảm hứng tích cực để chúng tôi vượt qua khó khăn, thử thách và quyết tâm gắn bó với nghề mà mình đã chọn!
Với những nỗ lực cố gắng và cống hiến hết mình, cô Nguyễn Thị Hòa đã vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp của ngành Lao động Thương binh Xã hội năm 2014; được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2017 và năm 2021; đồng thời trong suốt quá trình công tác, cô Hòa luôn được lãnh đạo đơn vị đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Khi gặp cô để hỏi thông tin viết bài tham dự cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, cô đã khiêm tốn từ chối vì cho rằng mình không có nhiều thành tích được khen tặng.
Cô Hòa ơi! Vẻ đẹp, công lao và đóng góp của một con người không phải lúc nào cũng được biểu hiện bằng sắc màu rực rỡ, bằng những thành tích nổi bật hay những bảng vàng ghi danh. Đối với chúng tôi, cô Hòa thực sự đã trở thành một bông hoa đẹp, một tấm gương sáng ngời được kết tinh từ những điều vô cùng giản dị, nhỏ bé. Bông hoa ấy, tấm gương ấy đã lan tỏa những điều tích cực nhất, cao đẹp nhất cho chúng tôi - những người đang công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội nói riêng và trong ngành Lao động Thương binh Xã hội nói chung có thêm thật nhiều động lực để phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp mà mình đã chọn.
Tác giả: Phạm Thu Nhung
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
các tin khác
- Người truyền cảm hứng
- Người vun đắp những tâm hồn kém may mắn
- Đồng chí Phạm Thị Thu Hà một tấm gương người tốt, việc tốt lan tỏa yêu thương - ấm áp tình người
- Nữ cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với nghề, tận tụy trong công việc
- Người cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với bệnh nhân
- Tự hào người chiến sĩ áo trắng
- Người cán bộ tận tâm với công việc
- Cố lên anh, người đồng nghiệp của tôi!
- TẤM GƯƠNG ĐỒNG CHÍ CÁN BỘ Y TẾ CÓ TẤM LÒNG NHÂN ÁI, YÊU NGHỀ
- Đồng chí Lê Thị Bích Liên “Người cán bộ tận tụy với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm”
hình ảnh
video
thông báo
Thống kê truy cập
- Đang truy cập : 67
- Tổng lượng truy cập: 46.658.042
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh | |