Chỉ đạo điều hành
- Công văn số 4674/SLĐTBXH - VLATLĐ ngày 16/11/2023 V/v hướng dẫn sửa đổi thủ tục cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn Hà Nội (lần 2) gửi Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Luật Thi đua, khen thưởng (Luật số: 06/2022/QH15)
- Kế hoạch số 4492/KH-SLĐTBXH ngày 07/11/2023 về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội năm 2023 (đợt 2)
- Báo cáo 4303/BC-SLĐTBXH ngày 23/10/2023 về Kết quả thực hiện Khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính/cung ứng dịch vụ công thuộc thẩm quyền tại Văn phòng Sở, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội và Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội năm 2023
- Quyết định 1217/QĐ-SLĐTBXH ngày 20/10/2023 về việc công bố công khai kết quả thực hiện mua sắm tài sản nhà nước (đợt 2) theo dự toán năm 2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT
Tình yêu hội họa và mối nhân duyên với trẻ khuyết tật
Ngày đăng: 17:32 02/10/2023 | Lượt xem: 216
Trong quá trình công tác, một trong những đồng nghiệp để lại ấn tượng sâu sắc với tôi về tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, một tấm gương người tốt việc tốt của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội với sự phấn đấu không mệt mỏi và giàu lòng nhân ái của một người giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đó là cô giáo Vương Thị Hải sinh ngày 22 tháng 2 năm 1987, giáo viên bộ môn mĩ thuật của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, nơi tôi may mắn được gắn bó, làm việc.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quốc Oai, nơi có nhiều lễ hội truyền thống và nét đẹp văn hóa, cô mang trong mình một tình yêu và niềm say mê nghệ thuật hội họa từ khi còn nhỏ, ấp ủ trở thành giáo viên dạy mĩ thuật đã thôi thúc cô giáo Vương Thị Hải theo đuổi ước mơ của mình. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp khoa Mĩ thuật trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, cô về công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội và được phân công giảng dạy bộ môn mĩ thuật. Cũng từ đây, ước mơ từ thời thơ bé của cô đã trở thành hiện thực, càng đặc biệt hơn khi cô là giáo viên dạy mĩ thuật cho trẻ khuyết tật. Với cô, chọn nghề giáo đã là một cơ duyên nhưng chọn ở bên những đứa trẻ khuyết tật thiệt thòi ắt hẳn là một mối nhân duyên đặc biệt.
Hồi tưởng lại 13 năm về trước, khi mới bước chân vào công việc tại đây, cô nhớ như in tiếng khóc của những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được chăm sóc tại khu nhà nuôi của Trung tâm, hình ảnh những trẻ khuyết tật đặc biệt nặng mang trong mình nhiều dạng tật: bại não, liệt, tự kỉ, tăng động, khuyết tật trí tuệ, những đứa trẻ bị tật khiếm thính không nghe nói được và chỉ khua múa bằng tay.
Ngày ấy, Trung tâm không những nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật mà còn mở lòng đón nhận những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở cổng chùa, cổng chợ vì một nỗi khổ tâm nào đó của gia đình. Từ một cô giáo tuổi đời còn trẻ và chưa một lần làm mẹ, nhưng với tấm lòng nhân hậu vốn có, cô luôn dành tình thương đặc biệt cho những đứa con thiệt thòi này, ngày ngày lên lớp mà trong lòng cứ đau đáu mỗi khi nghe thấy tiếng khóc réo rắt của những trẻ sơ sinh tội nghiệp phát ra từ khu nhà nuôi đang được các cô nuôi chăm sóc. Tiếng khóc xót xa vì thiếu hơi ấm của mẹ, bởi các cô nuôi có chăm sóc tận tình thế nào thì dẫu sao cũng không thể sánh bằng tình mẫu tử, tiếng khóc ấy như tiếng gọi: “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, con biết tìm mẹ ở đâu?”, khiến trái tim cô cứ thắt lại. Mỗi khi tiếng trống vang lên báo hiệu kết thúc giờ học, cô lại vội vã chạy về khu nhà nuôi để bế ẵm các con, hát ru cho con ngủ. Tiếng ru nghe lạc lõng giữa cái nắng ban trưa gay gắt, rát da rát thịt: “Cái Bống là cái Bống Bang, khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm, mẹ Bống đi chợ đường xa, Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa ròng, à ơi!!!”.
Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng dạy trẻ khuyết tật cũng là những ngày cô giáo Hải thật sự bỡ ngỡ, lo lắng và áp lực. Bởi đối tượng được nuôi dưỡng và dạy văn hóa của Trung tâm đều là những trẻ khuyết tật đặc biệt nặng và đa dạng tật. Mỗi trẻ mang một dạng tật khác nhau, một tính cách khác nhau, đòi hỏi một phương pháp dạy – học khác nhau. Với trẻ khuyết tật trí tuệ, các em có thể nghe, nói được nhưng nhận thức lại cực kì hạn chế, còn đối với trẻ khiếm thính, các em không thể nghe thấy âm thanh nhộn nhịp của cuộc sống và cũng không diễn tả được những cung bậc cảm xúc bằng lời nói, tất cả chỉ có thể biểu đạt qua đôi mắt và bàn tay. Hầu hết các em đều bị điếc sâu, điếc bẩm sinh không có sự hỗ trợ của máy trợ thính và không qua can thiệp sớm, vì vậy ngôn ngữ giao tiếp của các em là ngôn ngữ kí hiệu.
Cô Hải tâm sự: “Ngày mới vào Trung tâm, tôi thấy các em đều nói chuyện bằng đôi tay, cảm giác mình như lạc vào một thế giới hoang dã, một thế giới không ồn ào, không xô bồ, một thế giới tĩnh, yên bình biết bao!” Các em có một thế giới của riêng mình và thế giới của các em thật thú vị. Nghĩ là vậy, nhưng trăn trở lớn nhất trong cô bây giờ là phải làm sao để học được ngôn ngữ kí hiệu, giao tiếp được với các em. Cô bắt tay vào việc học, khó khăn chồng chất khó khăn, cô quyết tâm biến mình trở thành người khiếm thính để đi học kí hiệu ngôn ngữ. Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 6h00 sáng, trên con đường dài 18km từ Quốc Oai lên Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội mang theo tình yêu và nhiệt huyết, hết giờ làm việc, cô lại vội vã lên Hà Nội học kí hiệu ngôn ngữ. Nỗ lực không ngừng nghỉ, sau một năm miệt mài, cố gắng, cô đã hoàn thành xuất sắc khóa học kí hiệu ngôn ngữ.
Hiểu được ngôn ngữ và bước vào thế giới của trẻ khuyết tật, cô tự tin dạy các em từng nét vẽ, truyền tải đam mê nghệ thuật tới các em. Rồi cô quyết tâm một lần nữa được ngồi trên giảng đường Đại học, cô đi học để tìm hiểu sâu hơn về trẻ khuyết tật, nghĩ là làm, cô đăng kí và trúng tuyển vào khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuối tuần là thời gian mỗi người được nghỉ ngơi bên gia đình sau một tuần làm việc hối hả, nhưng với cô cuối tuần là thời gian cô dành để đi học, tìm tòi, nghiên cứu về trẻ khuyết tật, nâng cao kiến thức chuyên môn. Gần 3 năm đèn sách, cuối cùng cô đã tốt nghiệp cử nhân khoa Giáo dục đặc biệt với thành tích học tập cao. Việc học không dừng lại ở đó, cô tiếp tục đăng kí dự thi và trúng tuyển vào khoa Sư phạm Mĩ thuật trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, hành trình 3 năm sau cô lại dành những ngày nghỉ cuối tuần bên gia đình để đi học và tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Mĩ thuật, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương với thành tích học tập tốt. Đối với cô, việc học không bao giờ kết thúc dù ở độ tuổi và hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Cô luôn tâm niệm vừa làm, vừa học là cách trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn hiệu quả nhất và mục tiêu đơn giản chỉ là mong muốn mang những điều bản thân học hỏi được để về phục vụ cho công tác giảng dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm.
Nhìn những gương mặt ngây ngô, khờ dại vì mang trong mình những khiếm khuyết mà không hề ai mong muốn, đó cũng là nỗi đau đối với đấng sinh thành, khi con mình không may gánh chịu, điều đó đã thôi thúc cô không được phép dừng lại, không được phép bỏ cuộc dù khó khăn đến chừng nào. Công tác tại Trung tâm 13 năm không một ngày nào cô không cố gắng, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy – học để cuốn hút trẻ có niềm say mê với môn mĩ thuật, chính năng khiếu hội họa cùng tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, cô giáo Hải đã truyền cảm hứng cho lớp lớp học trò. Mỗi giờ học mĩ thuật với cô và trò là một giờ trải nghiệm, các em thỏa trí tưởng tượng với cọ, màu, sáp, đất nặn bao chân trời ước mơ được mở ra từ đó. Mặc dù là học sinh khuyết tật nhưng dưới sự chỉ dạy của cô, lứa học trò nào cũng có những em vẽ rất đẹp, đạt thành tích xuất sắc môn mĩ thuật.
Không nghe, không nói được nhưng khuôn mặt em Phùng Diệu Linh, lớp 5A luôn nở nụ cười rạng rỡ mỗi khi đến giờ học mĩ thuật. Là học sinh khiếm thính nhưng từ nhỏ em đã bộc lộ nhiều năng khiếu hội họa. Với Linh, ngoài giờ học các môn văn hóa, em còn dành tình yêu đặc biệt cho môn mĩ thuật. Các bức tranh do em vẽ có nội dung đơn giản như bảo vệ môi trường, tình cảm gia đình, hay phong cảnh thiên nhiên nhưng đã thể hiện được niềm say mê và sáng tạo. Dưới sự kèm cặp hướng dẫn tận tình của cô giáo Hải, em đã phát huy được khả năng của mình, nhiều năm qua, em luôn đạt giải cao nhất trong các cuộc thi vẽ tranh do Trung tâm tổ chức vào những dịp 20/11, 8/3 vẽ tranh tặng mẹ, tặng cô và các cuộc thi vẽ tranh do khách tới thăm Trung tâm tổ chức. Em nói: “Ước mơ của em được trở thành họa sĩ, được mở phòng triển lãm tranh của người khuyết tật, em muốn học vẽ để thực hiện ước mơ, tìm việc làm nuôi sống bản thân mình, nhất định không là gánh nặng cho gia đình và xã hội./.
Ảnh: Cô giáo Hải hướng dẫn các em học vẽ trong tiết học mĩ thuật
Ảnh: Những bức tranh của em Phùng Diệu Linh, học sinh lớp 5A
Trong bộ môn mĩ thuật còn có phân môn tập nặn tạo dáng là phân môn được trẻ khuyết tật rất yêu thích bởi các em được rèn luyện đôi tay khéo léo, được cầm nắm, thực hành trực tiếp để tạo ra cái đẹp cho mình. Ở phân môn này cô giáo Hải cũng luôn trú trọng và gây thích thú cho trẻ. Trong những tiết tập nặn tạo dáng, bằng phương pháp dạy học linh hoạt, từ đất nặn cô đã khơi gợi cho trẻ khuyết tật khả năng tư duy sáng tạo, biến một thứ đất nặn vô tri vô giác thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, đa sắc màu. Em Nguyễn Huy Mạnh, học sinh khiếm thính lớp 1B là một minh chứng cho điều đó. Dưới sự tận tâm chỉ dạy của cô giáo Hải, mặc dù mới là học sinh lớp 1 nhưng Mạnh đã có niềm say mê với đất nặn và làm ra rất nhiều sản phẩm đẹp mắt. Không chỉ vậy, em còn ước mơ sau này sẽ trở thành một nghệ nhân nặn tò he, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam.
Ảnh: Cô giáo Hải hướng dẫn học sinh trong tiết tập nặn tạo dáng
Ảnh: Em Nguyễn Huy Mạnh, học sinh lớp 1B nặn tạo dáng con vật
Hằng năm cứ đến dịp 20/11, cô giáo Hải lại tham mưu cho phòng Quản lí, dạy chữ và Hướng nghiệp, dạy nghề phát động phong trào hội thi vẽ tranh, vẽ báo tường giữa các lớp. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, được Ban Giám đốc khen ngợi và đánh giá cao. Những nét vẽ dù nắn nót hay còn vụng về thì cũng đều thể hiện tình cảm chân thành của những học sinh khuyết tật gửi tới các bác, các cô, chú cán bộ, các thầy cô giáo trong Trung tâm đã vất vả nuôi – dạy các em nên người.
Ảnh: Những trang báo tường do các em học sinh khuyết tật của Trung tâm vẽ trong hội thi vẽ báo tường nhân ngày 20/11
Giai đoạn 2020 – 2022 trong bối cảnh cả nước đang oằn mình chống đại dịch Covid - 19, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội luôn nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Thực hiện đúng phương châm “Ai ở đâu, ở yên đấy” và chỉ thị của thành phố, trẻ khuyết tật và cán bộ phải tuyệt đối cách ly tại Trung tâm, giữ vững an toàn. Cán bộ được phân chia thành các ca trực 21 ngày, 14 ngày, 7 ngày theo đợt, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Cũng như bao cán bộ khác, cô giáo Hải luôn nhiệt tình xung phong trong những đợt trực. Thời gian trực tại Trung tâm, cô không chỉ chăm sóc, giúp đỡ trẻ khuyết tật trong sinh hoạt mà còn truyền đạt những kiến thức và cách phòng chống dịch bệnh cho các em. Cô tham mưu cho Trung tâm thực hiện nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh với chủ đề: “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh covid- 19”. Thông qua cuộc thi học sinh khuyết tật của Trung tâm có thêm hiểu biết cũng như cổ vũ toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Năm ấy, tết Trung thu với các em ánh lên nỗi buồn trong từng đôi mắt mỗi khi nhớ về gia đình, người thân. Với bản năng nghệ thuật sáng tạo, cô giáo Hải tham mưu cho ca trực trang trí hội trường, tổ chức chương trình phá cỗ Trung thu cho trẻ khuyết tật và cuộc thi vẽ tranh với chủ đề: “Đêm hội trăng rằm”. Cuộc thi được trẻ khuyết tật hào hứng tham gia, dưới sự chỉ dẫn của cô, nhiều em có những bài vẽ đặc sắc và ấn tượng, được đóng thành khung trưng bày trên hội trường của Trung tâm để làm kỉ niệm. Chương trình phá cỗ Trung thu giúp cán bộ trực, trẻ khuyết tật phấn khởi, vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình trong những ngày cách ly xã hội tuyệt đối để phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm.
Ảnh: Trẻ khuyết tật của Trung tâm vẽ tranh chủ đề tết Trung thu trong những ngày cách ly phòng chống dịch bệnh covid – 19 tại Trung tâm
Với đôi tay tài hoa, không chỉ có khả năng hội họa mà cô còn viết chữ rất đẹp. Cô thường trang trí bảng và thể hiện khả năng viết chữ nghệ thuật vào các dịp 20/11, tết đến xuân về, tổng kết năm học, tết Trung thu,…với những chiếc bảng rực rỡ sắc màu, cô luôn truyền cảm hứng, những thông điệp tích cực đến đồng nghiệp xung quanh và các em học sinh khuyết tật thân yêu.
Ảnh: Cô giáo Hải vẽ trang trí bảng chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết năm học 2022 – 2023
Ảnh: Cô giáo Hải chụp ảnh lưu niệm tổng kết năm học 2022 – 2023 với tập thể học sinh lớp 2
Ngoài giờ lên lớp cô còn được phân công là một cán bộ trực ngoài giờ với vai trò là trưởng ca trực. Mỗi ngày trực ở Trung tâm, bên cạnh việc đôn đốc nhắc nhở cán bộ trực chăm nom trẻ thì cô còn trực tiếp chăm sóc các em, nấu cơm và tắm rửa cho các em…Thời gian đó cũng là lúc cô dạy các em những kĩ năng tự phục vụ như gấp chăn màn, gấp quần áo, hướng dẫn các em quét nhà, giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Cô luôn luôn dạy các em phải biết quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ các em nhỏ mới vào Trung tâm còn nhiều lạ lẫm chưa quen với môi trường tập thể. Học sinh rất yêu quý và gần gũi với cô. Nhiều em cứ đến ngày cô giáo Hải trực là đem chăn gối xuống phòng trực ngủ cùng cô, để tâm sự trò chuyện với cô bằng kí hiệu ngôn ngữ mà có khi ở nhà bố mẹ hay người thân của các em không hiểu và không chia sẻ được.
Sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2016, cô đã được Trung tâm và Chi bộ cử tham gia học lớp cảm tình Đảng, sau một thời gian không ngừng học tập và rèn luyện, cô đã được kết nạp Đảng vào ngày 06/06/2016, ngày 06/ 06/ 2017, cô chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, cuối năm 2022 cô được hội đồng thi đua khen thưởng của Trung tâm khen ngợi, đánh giá cao, đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
Không đao to búa lớn, không mĩ miều hoa lệ, chỉ có đức tính giản dị và tấm lòng nhân hậu, thương yêu những đứa trẻ thiệt thòi, cô giáo Vương Thị Hải xứng đáng là tấm gương sáng về người giáo viên, người mẹ hiền trong môi trường nuôi – dạy trẻ khuyết tật. Hi vọng rằng cô sẽ luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, tình yêu với trẻ để mối nhân duyên giữa cô và trẻ khuyết tật mãi mãi là một mối duyên lành. Chúc cô có thật nhiều sức khỏe và luôn là người truyền lửa cho những đam mê nghệ thuật hội họa, vẽ lên ước mơ cho trẻ khuyết tật. Cùng với tập thể giáo viên, cán bộ của Trung tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó, xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội ngày càng vững mạnh, phát triển, là mái nhà chung đầy ắp yêu thương đối với những mảnh đời bất hạnh./.
Tác giả: Ứng Thị Lan
các tin khác
- Người cán bộ “Mang sắc nắng, âm thầm gieo hạt giống yêu thương”
- “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG NƠI ANH”
- HOA HƯỚNG DƯƠNG
- MẸ TÔI
- NGƯỜI MẸ
- Người Lãnh đạo tâm huyết với nghề “Công tác xã hội”
- Nét đẹp từ những điều giản dị!
- Người truyền cảm hứng
- Người vun đắp những tâm hồn kém may mắn
- Đồng chí Phạm Thị Thu Hà một tấm gương người tốt, việc tốt lan tỏa yêu thương - ấm áp tình người
hình ảnh
video
thông báo
Thống kê truy cập
- Đang truy cập : 81
- Tổng lượng truy cập: 47.336.398
Dự báo thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh | |